Sau 2 lần cơ quan điều tra nêu quan điểm hành vi "chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự", ngày 10/12/2021, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường bị tạm giam để điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án thuốc giả tại Công ty VN Pharma.
Ba tuần sau khi ông bị bắt, ngày cuối cùng của năm 2021, nhà chức trách cho biết, vợ ông đã nộp 1,8 tỷ đồng. Đây là một phần khắc phục hậu quả cho 51 lô thuốc giả, trị giá 149 tỷ đồng, được "nhập khẩu và tiêu thụ hết tại Việt Nam", do ông Cường "không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ".
Tính đến thời điểm ra cáo trạng, ngày 7/1, ông Cường là người duy nhất trong 14 bị can của vụ án được ghi nhận nộp tiền khắc phục.
Theo cáo trạng, sai phạm xảy ra từ 8 năm trước, khi ông Cường đang là Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), có thể đã được khắc phục bằng cách đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu huỷ các loại thuốc giả, khi liên tục xuất hiện cảnh báo của nhà chức trách. Nhưng ông bị cáo buộc đã không nắm bắt những cơ hội sửa sai đó, ít nhất 3 lần.
Số thuốc giả này thuộc về VN Pharma, bị Cục Quản lý Dược "nghi ngờ" từ ngày 19/9/2014, khi Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị bắt. VN Pharma khi đó bị điều tra việc nhập lậu 9.300 lọ thuốc ung thư giả H- Capita từ công ty Helix Canada.
H-Capita là một trong nhiều nhãn thuốc giả liên quan VN Pharma, được ông Cường, với tư cách Cục trưởng, ký các giấy phép lưu hành (visa) hồi năm 2009 và 2010.
Khi VN Pharma bị điều tra, Cục Quản lý Dược gửi 2 công văn, đề nghị Đại sứ quán Canada tại Việt Nam xác minh thông tin về các công ty dược phẩm Canada có quan hệ làm ăn với VN Pharma.
Ngày 2/10 cùng năm, Cơ quan điều tra, Bộ Y tế Canada phản hồi Cục bằng 2 email, có cùng nội dung: Cả hai công ty Helix Canada và Health 2000 Canada "đều không sở hữu giấy phép sản xuất thuốc hợp lệ, không có bất kỳ sản phẩm nào có mã định danh sản phẩm thuốc hợp lệ". Các công ty này không có bất kỳ sản phần nào được cấp phép lưu hành tại Canada.
Bà Vũ Thị Hiệp, Phó phòng Đăng ký thuốc (Cục Quản lý Dược) in 2 email trên ra giấy và báo cáo Cục trưởng. Ông Cường không nêu quan điểm, chỉ bút phê vào các báo cáo này 6 chữ: "Cần có con dấu + chữ ký", cáo trạng nêu.
Hai ngày sau, 4/10/2014, bà Hiệp cùng 2 cán bộ của Cục Quản lý Dược đi dự hội nghị quốc tế về Dược tại Canada. Kết thúc chuyến công tác, bà gửi báo cáo cho ông Cường, đính kèm thông tin, địa chỉ của Cơ quan điều tra, Bộ Y tế Canada.
Ngày 31/10/2014, bà Hiệp lần thứ hai báo cáo ông Cường về phối hợp giữa Cục và phía Canada trong việc xác minh tình trạng pháp lý của các công ty dược Canada liên quan vụ thuốc lậu. Kèm theo phiếu trình là 2 công văn đề nghị xác minh của Cục Quản lý Dược Việt Nam và 2 email phản hồi từ cơ quan điều tra, Bộ Y tế Canada.
VKSND Tối cao xác định, khi nhận tài liệu này, ông Cường tiếp tục bút phê, nhấn mạnh thông điệp lần trước: "Tôi đã đề nghị cần có công văn chính thức - Đề nghị lưu hồ sơ báo cáo cơ quan chức năng khi có yêu cầu".
10 ngày sau, ông chỉ đạo cấp Phó ký Công văn gửi Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an (A83 nay là A03), nội dung đề nghị phối hợp xác minh thông tin về công ty dược Health 2000 Canada, một trong 2 "đối tác" bán thuốc giả cho VN Pharma.
Ngày 21/11/2014, A83 ban hành Công văn đóng dấu "Mật", gửi Cục trưởng Cường, đề nghị cung cấp tài liệu về các thuốc Health 2000 Canada được cấp visa trước đó để phục vụ điều tra vụ án VN Pharma buôn lậu thuốc chữa bệnh.
Các phản ứng của ông Cường sau khi nhận được công văn này của A83, không được cáo trạng đề cập. Song theo cáo buộc của VKSND Tối cao, ông Cường không ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi số thuốc giả đã nhập khẩu này "dù nhận được nhiều nguồn thông tin cảnh báo".
4 loại thuốc giả (H2K Levofloxacin, H2K Ciprofloxacin, Kaderox-250 và MGP Moxinase-625, thuốc kháng sinh nặng) vẫn được cung cấp cho các đơn vị kinh doanh dược, các cơ sở y tế để bán, sử dụng điều trị cho người bệnh.
Theo Thông tư 09/2010/TT của Bộ Y tế, trách nhiệm của các cơ quan trực thuộc trong công tác phòng chống thuốc giả là "tiếp nhận thông tin phản ánh từ mọi tổ chức, cá nhân có liên quan". Ông Cường bị quy kết không làm tròn trách nhiệm này.
Đây chỉ là một trong bốn hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của ông Cường, bị VKSND Tối cao truy tố trong vụ án.
Trước khi những loại thuốc giả này tràn vào Việt Nam, VKS cũng cáo buộc, chính "sự thiếu trách nhiệm hoặc động cơ cá nhân" và sự "ưu tiên không có lý do chính đáng" của ông Cường và các thuộc cấp tại Cục Quản lý dược, đã "dọn đường" cấp visa cho các nhãn thuốc giả này, mở màn cho toàn bộ vụ án.
Điều này cũng được thể hiện trong bản án phúc thẩm vụ 9.300 hộp thuốc giả điều trị ung thư của VN Pharma, công bố tháng 10/2017.
"Các bị cáo nhập khẩu thuốc không rõ nguồn gốc là do sự tắc trách, thiếu sót của cán bộ Cục Quản lý Dược. Việc này không chỉ thể hiện trong cấp phép nhập khẩu lô hàng H-Capita, mà trước đó Cục quản lý Dược còn cấp phép cho VN Pharma nhiều loại thuốc khác. Khi khởi tố vụ án tại VN Pharma, Cục quản lý Dược mới phát hiện và rút giấy phép", bản án nhận định.
Quá trình điều tra, nhà chức trách nhận định ông Cường "không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội". Trước việc không đình chỉ lưu hành thuốc giả, ông chỉ cho rằng "chưa có đủ điều kiện để quyết định đình chỉ lưu hành".
Song trong giai đoạn truy tố, ông thừa nhận "chưa thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ" của người đứng đầu Cục Quản lý Dược khi không đình chỉ lưu hành thuốc giả. Ông cũng nhận trách nhiệm trong các sai phạm của cấp dưới, dẫn đến 7 loại thuốc giả được cấp visa, trong khi hồ sơ không đủ điều kiện.
Trong vụ án này, ông Cường cùng Lê Đình Thanh (cựu cán bộ hải quan TP HCM) và Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Quản lý Dược) cùng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc công ty H&C) và 7 thuộc cấp bị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Thanh Lam