Luật sư đề nghị toà tuyên ông Tất Thành Cang 'vô tội'

Luật sư đề nghị toà tuyên ông Tất Thành Cang 'vô tội'

TP HCMBảo vệ ông Tất Thành Cang, luật sư cho rằng cựu phó bí thư không được giao quản lý vốn của Thành ủy, không có vai trò quyết định trong việc Sadeco bán rẻ cổ phần.

Chiều 4/1, quan điểm này được luật sư Trần Văn Sự trình bày với toà, khi bào chữa cho ông Tất Thành Cang (50 tuổi) - bị VKS đề nghị mức án 12-14 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.

Ông Cang bị cáo buộc biết việc phát hành vốn của Sadeco phải theo quy định về quản lý vốn Nhà nước, trước khi chuyển nhượng phải thông qua thẩm định giá, bán đấu giá... nhưng đã bút phê "đồng ý" để Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần giá rẻ cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) gây thiệt hại hơn 1.103 tỷ đồng; trong đó thiệt hại của Nhà nước là 669 tỷ đồng.

Theo luật sư, ông Cang không phải là người được giao quản lý tài sản nhà nước - phần vốn góp của Thành ủy tại Sadeco, nên không phải là chủ thể của tội danh bị truy tố. Văn phòng Thành ủy là đơn vị được giao quản lý tài sản của Thành ủy và Chánh văn phòng là người đứng đầu chịu trách nhiệm. Việc ông Cang bút phê "đồng ý" về chủ trương cho Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần không liên quan đến quyết định của công ty này trong việc thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần cho đối tác.

Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Thực tế, khi nhận được tờ trình 12A của ông Huỳnh Phước Long (đại diện phần vốn góp của Thành ủy tại Sadeco) và tờ trình của Văn phòng Thành ủy do ông Phạm Văn Thông (Phó chánh văn phòng Thành ủy), ông Cang có tổ chức cuộc họp. Sau khi nghe báo cáo về tình hình hoạt động và các phương án phát hành cổ phần của Sadeco thì ông Cang bút phê "đồng ý" theo đề xuất của Văn phòng Thành ủy.

Ngày 8/5/2017, Văn phòng Thành ủy ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư với nội dung chấp hành chủ trương và thông báo này chỉ có giá trị đối với phần vốn góp của Thành ủy. Nội dung thông báo này cũng xuất phát từ tờ trình 12A do bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco) ký nhưng không được HĐQT thông qua nên không có giá trị pháp lý.

Trên tờ trình 12A cũng không thể hiện giá bán một cổ phần là 40.000 đồng và Công ty Nguyễn Kim là cổ đông chiến lược. Trong khi đó, tại cuộc họp HĐQT, Sadeco căn cứ vào tờ trình 13 (xác định giá 40.000 đồng/cổ phần và cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim).

Luật sư cho rằng, người đại diện phần vốn góp của Thành ủy tại Sadeco đã không trung thực và có hành vi gian dối khi sử dụng tờ trình 13 làm căn cứ biểu quyết thông qua việc chuyển nhượng cổ phần của Sadeco. Trong khi, ông Cang không hề biết có tờ trình này.

"Việc ông Cang chỉ đồng ý về chủ trương là phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình", luật sư Sự nêu quan điểm.

Bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Luật sư cũng cho rằng, thân chủ không có quyền tác động đến hoạt động, điều hành của Sadeco. Trước thời điểm tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về chủ trương phát hành vốn (16/5/2017), ông Cang không được biết cũng như tham gia thảo luận bất cứ kế hoạch hoạt động nào của Sadeco.

Văn phòng Thành ủy với tư cách là cổ đông của Sadeco cũng chỉ có quyền biểu quyết về phần vốn góp của mình, không quyết định việc bán cổ phần mà thẩm quyền này thuộc về Hội đồng cổ đông. Những người đại diện vốn của Thành ủy có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về việc bán đấu giá vốn Nhà nước. Nếu những người này không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm chứ không phải ông Cang.

"VKS luận tội ông Cang phải chỉ đạo bán đấu giá, thẩm định giá theo quy định của pháp luật là không có căn cứ. Bởi văn bản có bút phê của ông Cang không liên quan đến việc giá bán cổ phần. Giá này là do Tề Trí Dũng, Phúc đề xuất Hội đồng cổ đông quyết định", luật sư nói.

Liên quan đến việc phát hành, quyết định giá bán, từ 2016 đến 2017, HĐQT Sadeco đã tổ chức 4 cuộc để bàn bạc và thông qua bằng các nghị quyết. Do đó, việc VKS kết luận ông Cang là người có quyết định cuối cùng trong việc bán cổ phần của Sadeco là "không đúng thực tế khách quan".

Ngoài ra, theo luật sư, VKS cũng không đúng khi luận tội ông Cang căn cứ vào lời khai của Tề Trí Dũng (khẳng định ông Cang tác động để bán cổ phần Sadeco cho Nguyễn Kim) trong khi ông Cang phủ nhận, đưa ra chứng cứ thời gian này ông đang đi học lớp bồi dưỡng kiến thức tập trung tại Hà Nội. Quá trình điều tra, ông Cang luôn hợp tác để tìm ra sự thật khách quan, giúp làm rõ hành vi giả mạo của bị cáo Long trong việc sử dụng tờ trình không được thông qua, chứ không "quanh co, chối tội" như quan điểm của VKS.

Sau khi nêu thêm nhiều đóng góp của ông Cang và gia đình, luật sư đề nghị HĐXX tuyên thân chủ "không phạm tội".

Trước đó, bị cáo Tề Trí Dũng cho biết đã nhận thức hành vi của mình là sai phạm nên không bào chữa gì thêm. Bị cáo cũng ghi nhận sự nỗ lực của các luật sư trong việc bào chữa cho mình và đề nghị chỉ nêu thêm các tình tiết giảm nhẹ, không cần thiết phải phân tích nhiều về việc tội danh.

Là người có vai trò xuyên suốt trong vụ án, bị cáo Dũng bị đề nghị 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9-10 năm tù về tội Tham ô tài sản, tổng hợp 20-22 năm tù.

Với vai trò đồng phạm của Dũng về hai tội danh, Hồ Thị Thanh Phúc bị đề nghị tổng cộng 19-21 năm tù.

Liên quan đến vụ án, 17 bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù treo đến 15 năm tù.

Ngày mai, các luật sư và VKS tiếp tục tranh luận.

Hải Duyên

Lĩnh vực hoạt động
Thông tin tiêu biểu
Liên kết